Những nhân tố này có thể quy về hai dạng đó là các nhân tố kinh tế
(bao gồm vốn, lao động, công nghệ và tài nguyên) và các nhân tố phi kinh tế
(bao gồm cơ chế, chính sách, văn hóa xã hội…). Trước đây, các nhà kinh tế
thường coi trọng các yếu tố vật chất như vốn, lao động, đất đai là những yếu tố
quyết định đến sự phát triển kinh tế nhưng thực tế đã cho thấy, cơ chế, chính
sách có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Nó phản ánh vai
trò định hướng, điều hành, điều tiết của nhà nước với nền kinh tế.
Ngoài ra, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày
nay, những yếu tố tác động bên ngoài cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát
triển kinh tế của mồi nước. Trong sự phát triển của nền kinh tế mỗi nước qua
các thời kỳ, những nhân tố ấy thường xuyên biến động và thay đổi. Do vậy, việc
đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu những nhân tố này chính là nhằm luận giải về sự
phát triển của nền kinh tế.
Lịch sử kinh tế có quan hệ chặt chẽ với môn kinh tế chính trị. Mối quan
hệ giữa kinh tế chính trị và lịch sử kinh tế là mối quan hệ giữa cái trừu tượng
và cái cụ thể. Kinh tế chính trị nghiên cứu các quy luật và phạm trù kinh tế
của các phương thức sản xuất, còn lịch sử kinh tế nghiên cứu những hoạt động cụ
thể trong thực tiễn phát triển kinh tế ở những nước khác nhau và trong những
giai đoạn phát triển riêng biệt của chúng.
Lịch sử kinh tế còn quan hệ chặt chẽ với môn thông sử. Đối tượng nghiên
cứu của thông sử là toàn bộ các sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội,
nhưng chủ yếu tập trung nghiên cứu các sự kiện chính trị, xã hội. Lịch sử kinh
tế chủ yếu nghiên cứu các vấn đề kinh tế. Do vậy, có thể nói mối quan hệ giữa
thông sử và lịch sử kinh tế là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.
Lịch sử kinh tế còn có mối liên hệ chặt chẽ với các môn kinh tế chuyên
ngành (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp, tài chính,
tiền tệ), nhưng lịch sử kinh tế không chú trọng nghiên cứu các khía cạnh về tổ
chức và quản lý, mà chỉ nghiên cứu dưới giác độ của lịch sử kinh tế ngành và
trong mối quan hệ với sự phát triển tổng hợp nền kinh tế.