Công nghiệp và nông nghiệp của các nước tư bản ( 1951 – 1973)


     Giai đoạn 1951-1973 kinh tế các nước tư bản tăng trưởng khá nhanh và tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước tư bản phát triển trong giai đoạn 1953-1962 là 4,8%; giai đoạn 1963-1972 là 5,0%.
     Mặc dù vẫn có các cuộc khủng hoảng chu kỳ xảy ra, nhưng thời gian khủng hoảng không kéo dài, không diễn ra đồng bộ giữa các nước và mức độ khủng hoảng không sâu. Vật giá khá ổn định, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng bình quân của các nước tư bản phát triển những năm 1950-1970 là 3%. Đồng thời, các nước này còn đạt được mục tiêu việc làm đầy đủ.

Công nghiệp và nông nghiệp của các nước tư bản ( 1951 – 1973)

     Về công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,5%/năm. Trong các nhóm ngành công nghiệp thì ba ngành cơ khí, hóa chất, năng lượng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, cơ khí 5,7%; hơi đốt, điện 7,7%; hóa chất 8,3%. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng chậm hơn như luyện kim 3,8%; dệt, may mặc, thực phẩm 3-3,8%.
     Các mặt hàng tiêu dùng cao cấp như ôtô, tủ lạnh, tivi, máy giặt… tăng lên rất nhiều so với trước. Năm 1972, sau nước Mỹ, Anh, Nhật Bản, Italia CHLB Đức, Pháp sản xuất được 30 triệu tivi, 19 triệu tủ lạnh, 70 triệu máy thu thanh, 24 triệu ô tô du lịch.
     Về nông nghiệp, trước chiến tranh trình độ trang bị kỹ thuật còn rất lạc hậu. Lao động nông nghiệp chiếm từ 1/3 đến 2/5 tổng số lao động trong các ngành kinh tế. Nhiều nước Tây Âu chưa tự túc được lương thực. Sau chiến tranh, nhiều cơ sở kinh doanh trong nông nghiệp đã được hiện đại hóa. Trung bình trên diện tích 100 ha, ở CHLB Đức, Hà Lan, Áo, Italia có từ 11 đến 15,5 máy kéo. Ở Bỉ, Mỹ, Thụy Điển, Pháp có từ 5-10 chiếc. Do áp dụng thành tựu của khoa học – kỹ thuật, việc sử dụng các loại giong cây trồng và con gia súc cho năng suất cao đã nâng sản lượng nông nghiệp lên nhanh. Nhiều nước tư bản phát triển đã có thặng dư về sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ngày càng gắn bó với công nghiệp tạo thành các tổ họp nông công nghiệp, liên kết giữa khâu sản xuất với chế biến, vận tải, tiêu thụ và cung ứng vật tư kỹ thuật. Bốn nước là Mỹ, Pháp, Canada, Ôtxtrâylia trở thành những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.