-
Sự can thiệp sâu rộng của chính phủ các nước tư bản vào đời sống kinh tế – xã
hội đã không còn tương thích trước những biến động của tình hình kinh tế trong
nước và thế giới. Chính sách gia tăng chi tiêu của chính phủ nhằm kích cầu đã
làm tăng thêm thâm hụt ngân sách nhà nước. Tỷ lệ lạm phát đã tăng đến mức nguy
hiểm.
-
Kinh tế đình trệ đi đôi với thất nghiệp và lạm phát cao đã không kích thích
được đầu tư. Tốc độ tăng đầu tư tư bản cố định trong các nước tư bản giảm sút
nghiêm trọng. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng sụt giảm. Mức tăng năng suất
lao động trong công nghiệp giai đoạn 1973-1977 so với giai đoạn 1963-1973 ở Mỹ
giảm từ mức 2,1% bình quân hàng năm xuống còn 1%; ở Nhật Bản giảm từ 8,9% xuống
1,3%; ở Anh từ 3,9% xuống 1,3%; ở CHLB Đức từ 5,3% xuống 3,6%; ở Pháp từ 5,2%
xuống 4%; ở Italia từ 5,6% xuống 0,8%.
-
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước tư bản và tác động lan truyền của khủng
hoảng kinh tế thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tăng trưởng kinh tế ở
các nước tư bản tăng không đều, hầu hết các nước Tây Âu và Nhật Bản tăng trưởng
nhanh hơn Mỹ. Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc số một trên thế giới nhưng vị trí
kinh tế của Mỹ đã giảm xuống, biểu hiện rõ nhất ở tỷ trọng sản xuất công nghiệp
của Mỹ trong sản xuất công nghiệp của thế giới tư bản đã giảm đi tương đối. Thế
giới tư bản hình thành ba trung tâm kinh tế là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản cạnh
tranh với nhau ngày càng gay gắt. Trong quan hệ thương mại, Mỹ chuyển từ một
nước xuất siêu sang nước nhập siêu và nhập siêu ngày càng nhiều với Tây Âu và
Nhật Bản. Chế độ tỷ giá hối đoái cố định bị tan vỡ dẫn đến sự bất ổn định của
hệ thống tài chính tiền tệ thế giới. Mặt khác, sự tăng trưởng thần kỳ của Nhật
Bản gắn liền với việc mở rộng thị trường sang Tây Âu và Mỹ đã dẫn đến những
cuộc “chiến tranh thương mại” gay gắt mà Mỹ là người khởi xướng. Kết quả là sự
xuất hiện chính sách bảo hộ mậu dịch với nhiều biện pháp khác nhau ở các nước.
Điều đó đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của các nước. Tốc độ tăng
trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm của các nước tư bản phát triển trong giai
đoạn 1965-1973 là 9,5% thì đến giai đoạn 1973-1980 giảm xuống còn 5,6; năm 1981
chỉ đạt 2,4% và năm 1982 giảm xuống mức -1,6%.
-
Cuộc đấu tranh giành độc lập về kinh tế và giành chủ quyền về tài nguyên thiên
nhiên của các nước đang phát triển. Sau khi giành độc lập về chính trị, hầu hết
các nước đang phát triển tiến hành cuộc đấu tranh nhằm giành độc lập về kinh
tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế các nước tư bản phát triển. Thực tế
đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nguyên liệu năng lượng và thị trường tiêu
thụ của các nước tư bản phát triển. Đặc biệt là sự kiện các nước trong tổ chức
xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thực hiện nhiều đạt tăng giá dầu và đòi cồ phần hóa một
phần các công ty dầu mỏ của các nước tư bản kinh doanh trên lãnh thổ của họ đã
làm cho nhu cầu về nguồn năng lượng này ở các nước tư bản không được đáp ứng đã
kéo theo tình trạng khủng hoảng cơ cấu trong nhiều ngành công nghiệp tiêu hao
nhiều năng lượng. Mặt khác, từ cuối những năm 1970, một số nước công nghiệp mới
ra đời cùng với các nước đang phát triển khác đã đẩy mạnh phát triển các ngành
công nghiệp cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới trên thị trường các
nước đang phát triển và cả trong các nước tư bản phát triển. Trong thời gian
1965-1980 tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển đã tăng từ 56,5
tỷ USD lên 567,1 tỷ USD, đưa tỷ trọng của các nước này trong thương mại thể
giới từ 17,9% tăng lên 28,1%. Thêm vào đó, trong bối cảnh quốc tế hóa nền kinh
tế thế giới, với sự di chuyển các luồng tài chính tiền tệ ngoài khả năng kiểm
soát của chính phủ đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở một số khu
vực tác động không nhỏ đến thế giới tư bản. Nhiều công ty xuyên quốc gia, các
ngân hàng lớn của các nước tư bản đầu tư ra nước ngoài đều chịu hậu quả trực
tiếp của các cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đó.