Trong thời gian này, những ngành dịch vụ sản xuất và đời sống cũng
phát triển mạnh như thương mại, vận tải, bưu điện, tài chính tiền tệ, bảo hiểm,
y tế, giáo dục, du lịch v.v… Cơ cấu kinh tế ở các nước tư bản phát triển
có sự thay đổi nhanh chóng. Từ năm 1950 đến năm 1973, tỷ trọng khu vực I (nông,
lâm, ngư nghiệp) ở Pháp từ 33% giảm xuống 12%, CHLB Đức từ 25% xuống 7%; Italia
từ 41% (năm 1954) xuống 17%; Anh từ 5% (năm 1951) xuống 3% trong khi đó khu vực
II (công nghiệp và xây dựng) tăng lên chậm và tý trọng của khu vực III (dịch
vụ) mở rộng rất nhanh. Bên cạnh sự thay đổi trong cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu
lao động ở các nước tư bản phát triển cũng có sự thay đổi theo xu hướng gia
tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng
lao động trong ngành nông nghiệp. Mặc dù sản xuất nông nghiệp tăng nhanh về sản
lượng do năng suất lao động tăng lên, nhưng tỷ trọng lao động trong nông nghiệp
giảm xuống rõ rệt. Năm 1950 lao động trong nông nghiệp Mỹ chiếm 23,3%, đến năm
1970 giảm xuống còn 9,9% trong tổng số lao động của các ngành kinh tế.
Số liệu tương tự ở Nhật Bản là 48,3% và 19,4%; ở Đức là 24,6% và
8,5%; ở Pháp là 29,1 % và 13,1 %.
Sự phát triển không đều giữa các nước đã làm thay đổi sâu sắc cục
diện kinh tế thế giới tư bản. Nền kinh tế của Mỹ sau chiến tranh tăng trưởng
chậm hơn so với một số nước tư bản khác. Kinh tế Nhật Bản đạt được tốc độ tăng
trưởng thần kỳ và trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai trong thế giới tư
bản. Kinh tế CHLB Đức cũng tăng nhanh và cùng với 5 nước Tây Âu (Pháp, Italia,
Hà Lan, Bỉ, Luýchxămbua) đã thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC). Điều đó
đã dẫn đến sự suy giảm địa vị của nền kinh tế Mỹ. Ba trung tâm kinh tế lớn là
Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản cạnh tranh gay gắt.
Đọc thêm tại: