Ra khỏi chiến tranh, nền kinh tế các nước tư bản có sự phục
hồi nhưng ngay sau đó đã lâm vào tình trạng suy thoái và khủng hoảng kinh tế
1920- 1921. Nước Đức rơi vào tình trạng rối loạn bởi siêu lạm phát. Chỉ số giá
cả tháng 11-1923 so với tháng 1-1922 tăng lên 10.000.000 lần. Trong những năm
1921-1929, nền kinh tế các nước tư bản khôi phục và phát triển vượt mức trước
chiến tranh đến 2-3 lần nhưng lại rơi vào những mâu thuẫn mới, dẫn đến cuộc Đại
khủng hoảng 1929-1933.
Đây là cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc nhất so với các cuộc
khủng hoảng trong thời gian trước đó. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu nổ ra từ Mỹ
vào mùa thu năm 1929, sau đó lan ra nhiều nước tư bản khác. Năm 1933, kinh tế
toàn hệ thống tư bản giảm 37% so với năm 1929. Mức sản xuất công nghiệp của Mỹ
sụt xuống chỉ bằng mức năm 1905-1906; của Anh bằng mức năm 1897; của Đức bằng
mức năm 1896. Cuộc khủng hoảng này kéo dài trong 4 năm, sau đó phục hồi kinh tế
diễn ra chậm chạp, ở Mỹ, nhiều ngành sản xuất công nghiệp đến trước Chiến tranh
thế giới thứ hai vẫn chưa đạt bằng mức sản xuất năm 1929. Một số nước đến năm
1936 nền kinh tế đạt mức năm 1928, nhưng một năm sau lại nổ ra cuộc khủng hoảng
kinh tế. Cuộc khủng hoảng này kéo theo khủng hoảng về chính trị.
Có thể nói rằng, khủng hoảng kinh tế thế giới là một biến thể đa
dạng và phức tạp, tiềm ẩn bên trong sự vận hành của nên kinh tế toàn cầu. Trong
đó, cấu trúc kinh tế toàn cầu với rất nhiều sự bất ổn mà bản thân mỗi quá trình
kinh tế, mỗi nền kinh tế quốc gia không đủ khả năng kiểm soát được hoặc sự mất
tương thích của cấu trúc kinh tế toàn cầu đang được xác lập với các thiết chế
đang vận hành. Khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra theo tính chất làn sóng,
lan tỏa và sau đó ảnh hưởng, chế định lẫn nhau. Do vậy, xu hướng khủng hoảng
kinh tế từ khu vực “trung tâm nhạy cảm” sẽ lan nhanh sang các khu vực khác. Đại
khủng hoảng kinh tế 1929-1933 nổ ra là kết quả của một thời kỳ dài sùng bái chủ
thuyết tự do kinh tế với hai chủ thể kinh tế được đề cao đó là thị trường tự do
và con người kinh tế cá thể biệt lập.