Tác dụng của môn học lịch sử kinh tế


    Tiếp cận theo phương pháp nghiên cứu liên ngành đòi hỏi phải tăng cường các hoạt động thông tin khoa học, tổ chức nhiều hội thảo bao gồm chuyên gia của các chuyên ngành khác nhau cùng luận bàn những vấn đề liên quan trong tiếp cận nghiên cứu của mình. Đồng thời, tiếp cận liên ngành cần có sự kết hợp chặt chẽ hài hòa giữa các phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại, phải tìm cách cập nhật thành tựu mới của khoa học – công nghệ và nhanh chóng hiện đại hóa phương pháp nghiên cứu.

Tác dụng của môn học lịch sử kinh tế

TÁC DỤNG CỦA MÔN HỌC
    Lịch sử kinh tế là một môn học kinh tế cơ sở ngày càng trở nên cần thiết trong nội dung kiến thức trang bị cho sinh viên khối kinh tế, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho sinh viên về tỉnh hình kinh tế – xã-hội trong nước, khu vực và thế giới .
    Thứ nhất, nghiên cứu lịch sử kinh tế góp phần nâng cao trình độ lý luận kinh tế.
    Những kiến thức về lịch sử kinh tế giúp cho sinh viên nắm vững lý luận kinh tế cơ bản sâu sắc hơn và phong phú hơn trên cơ sở thực tiễn.
    Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu đời sống kinh tế, điều kiện phát triển của xã hội, nghiên cứu sự sản xuất ra của cải vật chất chính là cơ sở khoa học trong việc xây dựng hệ thống lý luận kinh tế của C. Mác và Ph. Ăngghen. Chính các tài liệu lịch sử kinh tế đã giúp c. Mác và Ph. Ăngghen chứng minh một cách tuyệt diệu lý luận kinh tế của mình và phát hiện ra những quy luật phát sinh, phát triển và những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế – xã hội ở các nước tư bản.
    Cũng từ nghiên cứu những diễn biến sinh động của thực tiễn lịch sử kinh tế của các nước trên thế giới, một số nhà kinh tế học đã đúc kết, xây đựng các lý thuyết phát triển kinh tế làm phong phú thêm kho tàng học thuyết kinh tế và có ý nghĩa chỉ đường cho thực tiễn xây dựng phát triển kinh tế của mỗi nước gắn với những giai đoạn lịch sử cụ thể.
    Nhìn lại lịch sử, cuộc Đại suy thoái kinh tế những năm 1929 – 1933 đã đánh dấu sự sụp đổ của tư tưởng tự do kinh tế, của lý thuyết kinh tế tự điều chỉnh với “bàn tay vô hình” của thị trường. Sự thất bại của lý thuyết này đã dẫn đến sự ra đời của lý thuyết kinh tế “chủ nghĩa tư bản có điều tiết” của J.M. Keynes (1936) với chủ trương nhà nước can thiệp, điều tiết nền kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1974 – 1975, với những căn bệnh trầm trọng của chủ nghĩa tư bản như lạm phát gắn với suy thoái, khủng hoảng cơ cấu đã làm cho học thuyết của J. Keynes rơi vào khủng hoảng.